HẰNG DU MỤC BỊ BẠO HÀNH VÀ CÁCH THỨ 11 ĐỂ XÂY DỰNG NIỀM TIN (KHI LÀM THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN) Sáng 10/8, tài khoản Facebook “Hằng Du Mục” đăng thông tin cô bị chồng Trung Quốc bạo hành nghiêm trọng kèm hình ảnh và clip. Trước đây, Hằng Du Mục cũng có lần “hoảng sợ” trong live stream và xuất hiện với các vết bầm trên mặt. Thông tin này đã thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và bình luận trên nhiều nền tảng. Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao việc bạo hành này không cá biệt nhưng lại nhận được nhiều quan tâm, có phải vì Hằng Du Mục là người nổi tiếng? Thực ra, việc cô ấy nổi tiếng hay mức độ bạo hành không quan trọng bằng việc cô ấy dám công khai điều đó, để “chiêu đãi” dư luận. Vì trong số hàng triệu người “quan tâm” về sự việc này, chỉ khoảng 10% là thực sự quan tâm đến Hằng Du Mục. 90% còn lại chỉ “hóng biến”, “xem phim” và sau đó có thể sẽ quên đi nhanh chóng. Nhưng 100% dân tình thì vẫn coi câu chuyện ai đó bị bạo hành là một “món ăn” không thể cưỡng lại. Nguyên lý này giải thích tại sao đời tư, đặc biệt là của các ngôi sao, luôn là một đề tài nóng. Nhưng không cần phải nổi tiếng như Hằng Du Mục, vì chúng ta vẫn luôn “nổi tiếng” trong một vòng tròn kết nối nào đó. Và đó chính là Nguyên tắc thứ 10 trong các phương pháp tạo niềm tin. Em nào theo dõi tiktok và facebook cô Long đều biết 9 cách tạo niềm tin khi làm Thương hiệu Cá nhân. Nhưng nếu tự thấy bản thân chưa đủ giỏi, các em vẫn có cách thứ 10 - là tiết lộ chuyện đời tư, và cách thứ 11 - là “có sao sống vậy”, thể hiện tính cách của mình sao cho thật authentic. Hãy thử tưởng tượng, bọn em đang “xây kênh” để bán một món hàng cần tới niềm tin, như mật ong chẳng hạn. Việc học hành điên cuồng, lăn lộn với nghề để trở thành “bậc thầy mật ong” rồi xây kênh chia sẻ là một cách bài bản. Nhưng nếu không đủ giỏi, chưa đủ giỏi, hoặc không quá đam mê, thì việc cứ quay clip quá trình đi rừng lấy mật vẫn khiến số đông tin tưởng mật ong của em là thật. Đó là cách thứ 10, xây dựng niềm tin bằng nguyên lý “người thật việc thật”. Và nếu nguyên lý đó áp dụng không chỉ trong công việc mà vào chính bản thân, để phơi bày tất cả các câu chuyện dù đẹp hay xấu để thể hiện đúng tính cách con người, thì chúng ta có cách thứ 11 để xây dựng niềm tin, đó là authentic. Nhưng tại sao cô Long hiếm khi đề cập tới 2 cách này trong các video và bài viết? Nếu em nào học lớp BrandME - Nguyên lý xây dựng Thương hiệu Cá nhân của cô rồi thì đều biết tới bộ 5 câu hỏi trước khi bắt đầu xây dựng Thương hiệu Cá nhân, trong đó có 2 câu hỏi cực kỳ quan trọng, đó là bạn được gì và mất gì khi làm Thương hiệu Cá nhân? Trong đó, câu trả lời về việc mất sự tự do của bản thân, và đặc biệt là mất không gian riêng tư của những người thân quen là quan trọng nhất. Đó cũng là lý do cô nói Hằng Du Mục là dũng cảm. Bởi vì câu chuyện bị bạo hành như của Hằng Du Mục hoàn toàn không cá biệt. Ở ngoài kia, có hàng nghìn phụ nữ đang bị bạo hành theo nhiều cách. Nhưng bao nhiêu người “dũng cảm” để nói ra câu chuyện đó, dù với mục đích câu like, câu views, hay cao cả hơn là gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh? Rất ít! Và cái giá cho việc lên tiếng này nhiều khi (thực ra là chắc chắn) sẽ mang lại một hậu quả rất lâu dài, và tương đối nặng nề. Thế nên, cân nhắc cẩn trọng giữa được và mất khi công khai chuyện đời tư, tính cách thật của bản thân là bài toán mà mỗi người các em phải giải. Chọn 9 cách tạo niềm tin bằng Tài năng, hay 2 cách tạo niềm tin bằng Cuộc sống là quyết định của mỗi người. Nhưng lựa chọn 9 cách cô hay đề cập, dù phải “chịu khó” học hành cày cuốc nhiều hơn, vẫn là cách “dễ thở hơn” và “an toàn hơn” cho tất cả các em. Đừng chọn dâng hiến đời tư khi chưa hiểu rõ về những giới hạn, những lằn ranh đỏ không thể vượt qua và những mất mát mà việc này mang lại nhé. 🌱
#Longtruyenthong #nguyenngoclong #truyenthongtrangden #truyenthong #LearnOnTikTok #truyenthongdehieu #brandme #thuonghieucanhan #hoccungtiktok #hangdumuc